Thẻ làm đẹp gần 200 triệu "bốc hơi" cùng spa thẩm mỹ
Những năm gần đây, thẻ trả trước được sử dụng rộng rãi trong các ngành dịch vụ ăn uống, làm đẹp, thể hình... vì mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi đó là những rủi ro khó lường. Một khi cơ sở kinh doanh đóng cửa, công ty bị giải thể thì số dư trong thẻ có còn được hoàn trả hay không? Mới đây, Tòa án Nhân dân quận Cổ Lâu (Nam Kinh, Trung Quốc) đã công bố một vụ án tranh chấp về việc hoàn trả tiền thẻ trả trước sau khi công ty bị giải thể. Tòa án phán quyết các cổ đông phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty, đồng thời yêu cầu bồi thường cho nguyên đơn hơn 30.000 Nhân dân tệ (tương đương hơn 105 triệu đồng) tiền dịch vụ làm đẹp và lãi suất.
Công ty TNHH "Chân Mỹ" được thành lập vào tháng 4/2019, chuyên kinh doanh dịch vụ làm đẹp, với hai cổ đông là Trần Đại Mỹ và Trương Tiểu Chân. Từ tháng 10/2019, chị Tiểu Phương bắt đầu sử dụng dịch vụ tại cơ sở làm đẹp của "Chân Mỹ", lần lượt nạp vào thẻ 48.200 Nhân dân tệ (khoảng 168 triệu đồng) và 980 Nhân dân tệ (khoảng hơn 3,5 triệu đồng). Sau đó, chị Tiểu Phương đã thực hiện các liệu trình chăm sóc da mặt, vùng mắt... tại đây.
Tranh cãi về thời hạn sử dụng thẻ
Một ngày nọ, cơ sở làm đẹp này bất ngờ đóng cửa mà không hề thông báo trước cho chị Tiểu Phương. Sau khi tìm hiểu, chị mới biết công ty "Chân Mỹ" đã bị giải thể, bà chủ Đại Mỹ cũng sang nhượng cửa hàng cho người khác.
Liên lạc nhiều lần nhưng không có kết quả, chị Tiểu Phương đã khởi kiện hai cổ đông Trần Đại Mỹ và Trương Tiểu Chân ra tòa, yêu cầu hoàn trả số dư trong thẻ làm đẹp và trả lãi suất tương ứng. Bà Trần Đại Mỹ và bà Trương Tiểu Chân biện hộ rằng, mặc dù 980 Nhân dân tệ do chị Tiểu Phương nạp lần thứ hai chưa được sử dụng nhưng đã quá hạn sử dụng một năm nên không thể hoàn trả. Chị Tiểu Phương phản bác, cho rằng "Chân Mỹ" không hề thông báo về thời hạn sử dụng thẻ khi chị làm thẻ. Hơn nữa, chị đã sử dụng dịch vụ tại đây gần 3 năm nên thời hạn nạp tiền không thể chỉ có một năm.
Phán quyết của tòa án và bài học cho người tiêu dùng
Sau khi xem xét, Tòa án Nhân dân quận Cổ Lâu nhận định, hợp đồng dịch vụ làm đẹp giữa nguyên đơn và công ty "Chân Mỹ" được xác lập hợp pháp, có hiệu lực pháp luật, hai bên cần thực hiện đúng theo thỏa thuận. Ngày 30/9/2022, công ty "Chân Mỹ" làm thủ tục đăng ký giải thể, tư cách pháp nhân bị chấm dứt, hợp đồng dịch vụ làm đẹp liên quan về mặt pháp lý và thực tế đều không thể tiếp tục thực hiện nên hợp đồng này chấm dứt hiệu lực kể từ ngày đó. Sau khi hợp đồng chấm dứt, công ty "Chân Mỹ" có nghĩa vụ hoàn trả phí dịch vụ chưa sử dụng cho nguyên đơn.
Đối với khoản tiền 48.200 Nhân dân tệ, căn cứ vào số lần nạp, số tiền, mức ưu đãi được ghi trong lịch sử nạp tiền, kết hợp với số lần sử dụng thực tế còn lại của nguyên đơn, Tòa án quyết định số tiền phải hoàn trả là 30.000 Nhân dân tệ (105 triệu đồng). Khoản tiền 980 Nhân dân tệ do nguyên đơn đã nạp nhưng chưa sử dụng được hoàn trả toàn bộ. Bị cáo Trần Đại Mỹ cho rằng thời hạn nạp tiền là một năm, tuy nhiên, ghi chú "thẻ năm" trong lịch sử nạp tiền là do bị cáo tự ý ghi chép, không có chữ ký xác nhận của nguyên đơn. Hơn nữa, căn cứ vào lịch sử sử dụng dịch vụ của nguyên đơn, thời gian kéo dài 3 năm nên lập luận của bị cáo không được chấp nhận.
Tòa án cho rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp của Trung Quốc, "đối với trường hợp công ty chưa được thanh lý theo quy định của pháp luật mà đã làm thủ tục giải thể, thì các cổ đông phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty". Trong vụ án này, khoản nợ của công ty "Chân Mỹ" đối với nguyên đơn đã tồn tại trước ngày 30/9/2022, tức là trước khi công ty này bị giải thể. Hai cổ đông Trần Đại Mỹ và Trương Tiểu Chân rõ ràng biết điều này nhưng khi làm thủ tục giải thể công ty đã không thông báo cho nguyên đơn đến làm thủ tục khai báo khoản nợ, khiến nguyên đơn không thể nhận được khoản hoàn trả. Hành vi này thuộc diện thanh lý bất hợp pháp. Yêu cầu các cổ đông của công ty "Chân Mỹ" bồi thường thiệt hại về phí dịch vụ làm đẹp cho nguyên đơn là có căn cứ pháp luật, Tòa án ủng hộ yêu cầu này. Do đó, Tòa án phán quyết: Trần Đại Mỹ và Trương Tiểu Chân bồi thường cho nguyên đơn 30.980 Nhân dân tệ tiền dịch vụ làm đẹp và lãi suất.
Thẩm phán thụ lý vụ án cho biết, đây là vụ án điển hình liên quan đến hình thức tiêu dùng trả trước. Tòa án khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn hình thức này cần tìm hiểu kỹ về năng lực, quy mô, uy tín... của bên kinh doanh; tiêu dùng một cách lý trí, tránh ham rẻ, nạp một lần với số tiền lớn; không tin tưởng hoàn toàn vào lời hứa hẹn của bên kinh doanh mà cần ghi rõ các thỏa thuận dịch vụ vào hợp đồng; nhớ lấy hóa đơn hoặc chứng từ thanh toán khác và lưu giữ các bằng chứng văn bản để làm căn cứ bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp.
Theo 163