Trong cuộc sống gia đình, tiền bạc luôn là một chủ đề nhạy cảm. Khi vợ chồng có những quan điểm khác biệt về chi tiêu, nó có thể tạo ra những mâu thuẫn không đáng có.
Câu chuyện của một tài khoản N.A đăng tải trong một Group về vén khéo chi tiêu là một ví dụ.
Chị N.A chia sẻ rằng, trong gia đình, chồng chị giữ mọi nguồn thu nhập và chi tiêu, trong khi bản thân chị N.A chỉ có thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Dù thu nhập không quá cao, chị N.A vẫn cố gắng cân đối chi tiêu, mua sắm những thứ cần thiết cho con cái, cũng như đóng góp vào các khoản chi tiêu chung của gia đình.
Tuy nhiên, người chồng lại luôn cho rằng chị N.A chi tiêu hoang phí, không biết tiết kiệm. Thậm chí, anh yêu cầu vợ phải đóng góp vào các khoản chi phí khác mà chị N.A cho là không cần thiết, như tiền xăng xe.
Điều này không chỉ tạo ra sự căng thẳng về tài chính, mà còn làm cho người vợ cảm thấy không được tôn trọng. "Mình không biết phải làm sao cho khéo để làm hài lòng chồng," chị N.A nói, "dù mình có cố gắng chi tiêu hợp lý, thì anh vẫn luôn phê phán".
Chính vì vậy, chị N.A đã xin tư vấn từ CĐM làm thế nào để cân bằng chi tiêu gia đình và thay đổi tình trạng cũng như thái độ của người chồng về vấn đề tài chính gia đình.
Trước câu chuyện của chị N.A, CĐM đã chỉ ra một điều cốt yếu đó chính là cần phải có sự cân bằng và trách nhiệm trong đóng góp tài chính gia đình giữa hai vợ chồng dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Hầu hết CĐM đều cho rằng thái độ của người chồng đều có vấn đề.
Đáng chú ý có những ý kiến như sau:
- Chị thử nói với chồng là cùng đóng góp, mỗi người góp 2/3 lương hàng tháng, anh quản lí chi tiêu xem sao. Chắc ở ghép hay gì mà đòi share (chia sẻ) chung? Sao chồng chị ăn uống, phí sinh hoạt lại không thấy đòi share tiền nhỉ?
- Đọc tin nhắn ở trên có thấy chồng đưa cho đồng nào đâu mà chồng bảo tiêu xài hoang phí. Chồng làm chồng giữ, còn lương vợ có 6 triệu thì lo cho cả nhà.
- Bạn không cần kể lể giải thích với người đàn ông như này đâu. Vì họ cố tình không hiểu rồi, cố đẩy trách nhiệm sang cho bạn.
Đối với câu chuyện của chị N.A, hai nội dung có lẽ khá phổ biến trong các gia đình người Việt – đó là thế nào là chi tiêu tiết kiệm, "vén khéo" trong quan điểm của người vợ và người chồng, và tiết kiệm không chỉ là vẫn đề cắt giảm chi tiêu.
Trong cuộc sống hôn nhân, không có một công thức nào là hoàn hảo, nhưng quan trọng nhất là sự đồng thuận và tôn trọng lẫn nhau. Khi gặp khó khăn về tài chính hay các vấn đề khác, cả hai cần phải cùng nhau tìm ra giải pháp, thay vì chỉ trích và đổ lỗi cho nhau.
Quan điểm khác biệt về tiết kiệm
Một trong những yếu tố chính dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình này chính là sự khác biệt trong quan điểm về việc tiết kiệm. Người chồng có thể cho rằng việc chi tiêu của vợ là không hợp lý, thậm chí là hoang phí, đặc biệt khi nhìn vào những chi tiêu cho gia đình nội, như đi ăn uống, đi chơi vào các dịp lễ, cuối tuần. Trong khi đó, người vợ lại cảm thấy rằng cô đã cố gắng rất nhiều để tiết kiệm, bản thân vẫn phải gánh vác các khoản chi tiêu cho gia đình, đặc biệt là khi thu nhập của cô tương đối thấp.
Tiết kiệm không chỉ là việc cắt giảm chi tiêu
Tiết kiệm trong chi tiêu gia đình không chỉ đơn giản là việc cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết. Đó là sự quản lý tài chính thông minh, có sự phân bổ hợp lý giữa thu nhập và các nhu cầu của gia đình. Việc tiết kiệm cần được thực hiện một cách có kế hoạch, và điều quan trọng là cả vợ chồng phải thống nhất với nhau về các mục tiêu tài chính dài hạn.
Lập kế hoạch chi tiêu: Hai vợ chồng nên cùng nhau lập một bảng chi tiêu hàng tháng, bao gồm tất cả các khoản cần chi cho gia đình, từ ăn uống, sinh hoạt đến các khoản tiết kiệm cho tương lai. Việc này giúp hai người nhìn rõ được ngân sách và có thể điều chỉnh chi tiêu sao cho hợp lý hơn.
Xác định mục tiêu tiết kiệm cụ thể: Mục tiêu tiết kiệm cần phải rõ ràng và có sự đồng thuận giữa vợ và chồng. Có thể đó là một khoản tiết kiệm cho giáo dục của con cái, mua sắm nhà cửa hoặc các khoản chi tiêu bất ngờ. Khi cả hai cùng có mục tiêu rõ ràng, việc tiết kiệm sẽ dễ dàng hơn và không có cảm giác bị ép buộc.
Chia sẻ trách nhiệm tài chính: Việc một bên giữ tiền và chi phối toàn bộ chi tiêu có thể dẫn đến sự bất bình trong mối quan hệ. Cả hai vợ chồng cần thảo luận và chia sẻ trách nhiệm về các khoản chi tiêu, tiết kiệm, và đóng góp vào quỹ chung. Điều này sẽ tạo sự công bằng và cảm giác được tôn trọng hơn.
Tổng hợp
Mai Trang