Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của việc quản lý tài chính cá nhân là khả năng kiểm soát và điều hòa chi tiêu. Dù thu nhập cao hay thấp, việc quản lý chi tiêu hiệu quả đều đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sự cân đối tài chính và đạt được các mục tiêu dài hạn.
Đối với những người có thu nhập thấp, việc quản lý chi tiêu càng trở nên then chốt. Họ cần phải xác định rõ những nhu cầu thiết yếu và ưu tiên chi tiêu cho những mục này trước. Việc kiểm soát chặt chẽ chi tiêu sẽ giúp họ tránh nợ nần và có thể dành dụm một khoản tiền nhỏ cho các khẩn cấp hoặc kế hoạch tài chính dài hạn.
Đối với những người có thu nhập cao, việc quản lý chi tiêu giúp họ tránh được cái bẫy "tăng thu nhập, tăng chi tiêu" - một hiện tượng phổ biến khi mức sống tăng lên cùng với thu nhập. Điều này có thể dẫn tới việc không tiết kiệm hoặc đầu tư đủ cho tương lai, hoặc thậm chí dẫn đến tình trạng nợ nần do quản lý tài chính không hiệu quả.
Tuy nhiên, không dễ gì để thoát được cái bẫy "tăng thu nhập, tăng chi tiêu", mới đây 1 cô vợ trẻ đã chia sẻ câu chuyện tài chính của gia đình mình với hoài nghi vì sao thu nhập cao mà lại chẳng để ra được cái gì.
Cụ thể, tổng thu nhập của 2 vợ chồng là 90 triệu nhưng tài sản hiện tại không có gì ngoài 1 chiếc xe SH và vẫn đang ở nhà thuê. Chi tiêu hàng tháng của gia đình cô như sau:
1. Thuê nhà: 15 triệu đồng
2. Tiền ăn (2 vợ chồng, 3 con, mẹ chồng và giúp việc): 15 triệu đồng
3. Học phí của con: 42 triệu đồng
4. Thuê giúp việc: 7 triệu đồng
5. Tiền thuốc của mẹ chồng: 5 triệu đồng
6. Tiền thuê taxi về quê cho mẹ chồng: 2 triệu đồng
7. Thuốc, mỹ phẩm: 3 triệu đồng
8. Tiêu vặt: 3 triệu đồng
9. Tiền hiếu hỷ: 5 triệu đồng
10. Biếu bố chồng: 2 triệu đồng
11. Xăng xe: 2 triệu đồng
Tổng số tiền chi tiêu cho 1 tháng của gia đình này lên đến 101 triệu đồng, vượt quá thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
"Sơ qua như vậy thôi còn nhiều khoản lắt nhắt không tên nữa, tháng nào nhà mình cũng phải dùng thẻ tín dụng khoảng 20-30 triệu đồng, riêng tết tiêu nhiều thì 50-70 triệu. Mình rất ngưỡng mộ mọi người trong nhóm dù thu nhập thấp hơn nhưng có nhà, có xe. Hiện vợ chồng mình chỉ có 1 xe Sh (mua từ hồi mình chưa lấy chồng, mình đã lấy chồng được 9 năm). Mọi người giúp mình vén khoản nào với. Hiện mình đã nợ tín dụng và vay ngoài khoảng hơn 200 triệu rồi, cứ làm đến đâu tiêu đến đó rồi trả nợ nữa, làm mình rất mệt mỏi".
Như vậy, mỗi tháng vợ chồng cô đều phải sử dụng thẻ tín dụng để giải quyết cho vấn đề chi tiêu hàng ngày. Hiện tại, tuy thu nhập khá cao nhưng gia đình cô vẫn không hề có tài sản hay khoản tích lũy nào ngoại trừ 1 chiếc xe máy SH đã mua từ cách đây hơn chục năm.
Nhìn vào bảng chi tiêu này dân tình liền ngay lập tức hiểu vì sao dù thu nhập cao nhưng gia đình trẻ này vẫn chẳng thể nào tích lũy được tài sản, bởi vì nhìn vào khoản nào cũng thấy cần phải cắt giảm nên chẳng biết phải bắt đầu giải quyết từ đâu.
Nổi cộm nhất là học phí của 3 con nhỏ chiếm đến 50% thu nhập, dân tình nhận xét đây là khoản đầu tiên phải xem xét lại bởi vì với thu nhập 90 triệu/tháng thì chưa phải là quá cao để có thể cho con học trường song ngữ, mà còn là cho cả 3 con theo học trường song ngữ.
Ngoài ra thì khoản ma chay hiếu hỷ tháng nào cũng chi ra 5 triệu cũng là khoản cần xem xét cắt giảm bớt.
Quản lý chi tiêu đòi hỏi sự kỷ luật và kế hoạch rõ ràng. Nó bao gồm việc lập ngân sách, theo dõi chi tiêu thường xuyên, và điều chỉnh phương thức tiêu dùng khi cần thiết. Bằng cách tiêu tiền một cách thông minh, mọi người có thể đảm bảo rằng họ đang đầu tư vào cuộc sống của mình một cách bền vững, không phụ thuộc vào bất kỳ thay đổi nào về thu nhập.
Tóm lại, dù thu nhập ở mức độ nào, việc quản lý chi tiêu luôn là yếu tố cốt lõi để đảm bảo an ninh tài chính và thực hiện các mục tiêu cá nhân và gia đình.
Mạn Ngọc