Giữa lúc Intel, người khổng lồ sản xuất chip Mỹ đang vật lộn với cuộc khủng hoảng trong hoạt động kinh doanh của mình, CEO công ty, ông Pat Gelsinger đã làm mọi người bất ngờ khi thông báo nghỉ hưu và từ chức khỏi vị trí CEO Intel – chỉ chưa đầy 4 năm sau khi tiếp quản vị trí này.
Nhưng nhiều báo cáo mới đây đang tiết lộ hậu trường đầy bất ngờ đằng sau sự ra đi đột ngột của ông Gelsinger. Theo Reuters, việc ra đi của ông Gelsinger là do sự ép buộc của các thành viên trong Hội đồng quản trị Intel – chứ không phải ý định tự nguyện của ông – sau một cuộc họp trong hội đồng vào tuần trước.
Tại cuộc họp này, các thành viên ban giám đốc nhận định rằng kế hoạch cải tổ đầy tham vọng và tốn kém của ông không mang lại hiệu quả như mong đợi, trong khi tiến độ thay đổi lại quá chậm. Theo một nguồn tin, ban lãnh đạo đã đưa ra tối hậu thư để ông hoặc tự nguyện nghỉ hưu hoặc bị bãi nhiệm – và ông đã chọn từ chức.
Quyết định ra đi của ông Gelsinger diễn ra trước khi kế hoạch tái cấu trúc kéo dài bốn năm của ông kịp hoàn thành, một kế hoạch nhằm khôi phục vị trí dẫn đầu của Intel trong lĩnh vực sản xuất chip máy tính có tốc độ và kích thước vượt trội. Tuy nhiên, vị trí này đã bị hãng TSMC giành lấy từ tay Intel, cùng với đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ như NVIDIA.
Trong nhiều thập kỷ nay, Intel từng là biểu tượng của sự thống trị toàn cầu trong ngành công nghiệp chip bán dẫn. Nhưng dưới thời những lãnh đạo gần đây, công ty dần tụt dốc so với các đối thủ khác. Dưới thời Gelsinger, tình hình gần như không thể đảo ngược khi giá trị vốn hóa Intel hiện chỉ bằng 1/30 so với NVIDIA – công ty đứng đầu trong lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo (AI).
Khi nhậm chức vào năm 2021, ông Gelsinger tiếp quản một công ty đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Thay vì giải quyết triệt để các vấn đề, ông lại tiếp tục đặt ra những tham vọng lớn về sản xuất và phát triển chip AI. Tuy nhiên, các hợp đồng bị hủy bỏ hoặc thất bại trong việc giao hàng đúng hạn đã khiến Intel mất điểm nghiêm trọng với khách hàng lớn, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của công ty.
Đỉnh điểm là vào tháng trước, Intel buộc phải từ bỏ các dự báo doanh thu, một phần vì những tuyên bố lạc quan thái quá của Gelsinger về các hợp đồng chip AI trong tương lai.
Những bước đi sai lầm và sự sụp đổ niềm tin
Trong nỗ lực khôi phục Intel, Gelsinger đã công bố một kế hoạch cải tổ vào tháng 7/2021, bao gồm việc đầu tư 20 tỷ USD xây dựng các nhà máy mới tại Ohio và tăng cường nhân sự lên 132.000 người – mức cao nhất trong lịch sử Intel. Tuy nhiên, sự chi tiêu ồ ạt này lại trùng với thời điểm thị trường máy tính cá nhân và laptop suy thoái sau đại dịch, khiến lợi nhuận gộp của Intel giảm mạnh và cổ phiếu lao dốc. Điều này không chỉ làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư mà còn khiến Intel lọt vào tầm ngắm của các công ty muốn thâu tóm.
Kế hoạch tập trung vào sản xuất theo hợp đồng (foundry) – một mô hình mà Intel hy vọng sẽ cạnh tranh với TSMC – cũng gặp thất bại. Những khách hàng tiềm năng như Microsoft và Amazon không mang lại đủ khối lượng sản xuất để đảm bảo lợi nhuận cho các nhà máy mới.
Bên cạnh đó, thất bại trong việc tung ra sản phẩm chip AI hiệu quả đã khiến Intel bị bỏ lại phía sau NVIDIA – công ty đang trên đà đạt mức vốn hóa 3 nghìn tỷ USD nhờ các công cụ AI mới nổi như ChatGPT.
Thay đổi lãnh đạo và tương lai bấp bênh
Intel hiện đã bổ nhiệm hai lãnh đạo tạm thời – Giám đốc Tài chính David Zinsner và Phó Chủ tịch cấp cao Michelle Johnston Holthaus – làm đồng CEO trong lúc tìm kiếm người kế nhiệm chính thức cho Gelsinger. Hội đồng quản trị công ty đã thành lập một ủy ban đặc biệt để thực hiện việc này.
Frank Yeary, Chủ tịch hội đồng quản trị độc lập của Intel, phát biểu: "Mặc dù chúng tôi đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc lấy lại vị thế cạnh tranh trong sản xuất, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư."
Tuy nhiên, với việc cổ phiếu mất hơn 60% giá trị dưới thời Gelsinger và bị loại khỏi chỉ số Dow Jones Industrial Average, Intel đang đối mặt với áp lực lớn từ cả thị trường lẫn các nhà đầu tư. Theo một số nhà phân tích, bất kỳ chiến lược nào mà Gelsinger đề ra cũng đều sẽ bị xem xét lại, từ chi tiêu cho nhà máy đến định hướng tập trung vào sản xuất hợp đồng.
Liệu Intel có thể hồi phục từ cuộc khủng hoảng này hay không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào người kế nhiệm và khả năng thực thi các chiến lược mới để đưa công ty trở lại đường đua.
Nguyễn Hải