Một bà mẹ mới đây bày tỏ sự "ấm ức" khi con đi học quên mang khăn quàng đỏ, bị cô giáo phạt mua 10 cái khăn "dự phòng". "Nếu ví dụ 1 năm 10 bạn mua 100 cái thì sao nhỉ? Mặc dù 10 khăn đỏ không đáng bao nhiêu tiền, nhưng nghĩ cũng buồn cười", chị nêu ý kiến trong một nhóm phụ huynh có hàng trăm ngàn thành viên.
Câu chuyện thu hút sự chú ý, với nhiều bình luận trái chiều.
Hợp lý hay không hợp lý?
Nhiều người đồng tình với bà mẹ nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, đây là hình thức phạt hợp lý, "một lần cho nhớ". Lớp mấy chục học sinh, nếu ngày nào giáo viên cũng nhắc nhở nhưng bản thân học sinh không tự giác, phụ huynh không quan sát con thì rất mất thời gian, ảnh hưởng đến thi đua của lớp.
Quy định của lớp đưa ra để giúp cho các con 1 lần nhớ mãi, sau này phải để ý và chuẩn bị đồ dùng học tập cũng như đồng phục tốt hơn. Đây là cách cô rèn tính cẩn thận cho con, trường hợp con quên 1 lần mà cô phạt 100 ngàn đồng để dành làm việc riêng thì phụ huynh mới nên có ý kiến.
"Quy định tập thể đã đề ra, không thực hiện đúng thì cứ thế mà chịu phạt. Không đồng ý với quy định thì phụ huynh phải có phản hồi ngay từ đầu, chứ chờ đến khi con quên bị phạt rồi mới đem ta soi xét thì buồn cười lắm. Từ đầu phụ huynh đã có trao đổi gì về cái hình phạt đó không hay còn không thèm để ý", một phụ huynh nêu ý kiến.
Một vài người ủng hộ cô giáo cho rằng, con mình cũng từng nhận những hình phạt tương tự: "Con nhà mình hồi trước còn bị phạt đeo 10 cái khăn đỏ, mỗi ngày bớt một cái, nhìn nó như khoác con cáo 9 đuôi trên cổ ấy, mà nó biểu hiện rất hào hứng nên cô giáo chán luôn; "Giống kiểu con mình bị phạt trực nhật vì nói chuyện nhiều, nó còn khoe con sắp làm chuyên gia quét lớp. Cô cũng bó tay"...
Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh nhận định, cách phạt này ít có tác dụng răn đe với học sinh bởi người quên mang khăn quàng là các em nhưng người chịu phạt lại là bố mẹ.
"Mình không hề thích những hình phạt đánh vào kinh tế như thế này. Này là phạt phụ huynh chứ phạt gì học sinh", một phụ huynh đưa ý kiến. Đồng thời, người này cũng gợi ý, thay vì phạt mua khăn quàng, cứ lần quên, giáo viên có thể cho con chép phạt mấy trang giấy, lần 2 thì gấp đôi số trang lần 1. Trẻ con sợ phải ngồi chép phạt. Nếu cứ quên là mua 10 khăn quàng thì trẻ có thể hình thành suy nghĩ đã có bố mẹ nộp phạt, cùng lắm bị mắng nên càng không có ý thức tự giác.
Chưa kể, với nhà có điều kiện kinh tế mua 10, 20 khăn quàng không có vấn đề, nhưng với gia đình khó khăn thì vài chục, một trăm ngàn cũng là chuyện không nhỏ.
"Phạt như thế này không có ý nghĩa gì cả. Nếu có người nào nhớ ở đây thì là bố mẹ nhớ (là người bỏ tiền ra mua). Hoặc tệ hơn nữa là bố mẹ quay ra chì chiết đay nghiến con, và khả năng cao là vẫn sẽ quên tiếp vì tuổi này khả năng tập trung chưa cao. Nếu có gì trẻ nhớ mãi thì là nhớ lời chì chiết của cha mẹ hay thầy cô chứ nó sẽ chẳng nhớ bài học nào ở đây cả.
Thay vào đó người lớn ngồi xuống cùng với con tìm cách để con nhớ đeo, con tự nghĩ ra cách nào phù hợp với con nhất, nếu cần bố mẹ giúp thì sẽ giúp. Ví dụ dán giấy nhắc nhở, mua 2 cái dự phòng để ở trong cặp 1 cái, hoặc tan học thì buộc khăn đỏ thành hình cái nơ trên cặp tránh bỏ quên ở nhà...
Và xác định luôn là kiểu gì con cũng quên tiếp thêm vài lần, quên lại ngồi xuống cùng nhau tìm và thử cách khác. Sai thì làm lại, thử lại, cùng nhau tìm giải pháp. Đó mới là giáo dục. Nuôi dưỡng những đứa trẻ biết tôn trọng luật lệ vì lợi ích chung, giúp đỡ nếu chúng gặp khó khăn, khiến chúng không ngại bắt đầu lại chứ phải là tạo nên những con người chỉ làm đúng vì sợ bị trừng phạt", một người nêu ý kiến.
Hiện câu chuyện vẫn đang được bàn luận rôm rả. Còn bạn, bạn nghĩ sao về hình phạt này?
Hiểu Đan