Virtuoso là dòng tai nghe cao cấp của Corsair, và trong đó phiên bản đầu bảng Virtuoso Max đã được thương hiệu này ra mắt được khoảng nửa tháng trước. Là sản phẩm flagship, Virtuoso Max cũng đã được trang bị đầy đủ những tính năng, công nghệ hiện đại nhất mà thương hiệu này có.
Tất cả sản phẩm từ Corsair đều được đóng hộp với tông màu đen và vàng rất đặc trưng.
Mở hộp, thứ đầu tiên ta thấy là một hộp da có khóa kéo lớn để đựng tai nghe khi đem ra ngoài.
Hộp có kích thước bề ngang và dọc lớn nhưng không quá dày vì tai nghe có thể xoay 2 bên tai (cups) 90 độ để đặt phẳng vào trong hộp như thế này.
Các món phụ kiện cho tai nghe bao gồm dây cắm USB-C bọc dù, microphone dạng boom và dongle 2.4GHz. Ngoài kết nối bằng dongle thì tai nghe cũng hỗ trợ cả Bluetooth và nghe nhạc có dây. Ở chế độ không dây và tắt đèn, tai nghe thời lượng pin khoảng 60 tiếng.
Microphone dạng boom được thiết kế đơn giản nhưng vẫn khá đẹp, thanh nối dài được bọc vải dù, các khớp kết nối thì được làm bằng kim loại, ngoài ra thì tích hợp luôn nút tắt / bật microphone ở đoạn gắn với tai nghe.
Khác với nhiều cặp tai nghe gaming (trong đó có cả những lựa chọn tầm thấp của Corsair luôn), Virtuoso Max đi theo hướng thiết kế đơn giản hơn với chỉ 2 màu là đen và xám đậm, không có màu sắc sặc sỡ hay hình 'rồng bay phượng múa' gì cả!
Thay vào đó tai nghe được tập trung vào chất lượng hoàn thiện, vào những chi tiết trang trí nhỏ hơn. Mặt ngoài tai nghe được làm bằng kim loại phay xước, ngay bên cạnh là 1 vòng được cắt dập nổi hình quả trám nên dù cùng là màu xám nhưng vẫn khá nổi bật. Phần vòng này cũng chính là vòng điều khiển luôn, mặc định là để chỉnh âm lượng nhưng ta cũng có thể chuyển thành thao tác khác trong phần mềm.
Trên thân tai nghe, ta có cần gạt nguồn kiêm chuyển chế độ kết nối, nút chuyển giữa nghe môi trường (Transparency Mode) và chống ồn chủ động, một nút chức năng tùy chỉnh, tới 2 cổng USB-C trong đó 1 cho sạc, kết nối có dây và 1 dành cho việc cắm microphone.
Khung cho toàn bộ tai nghe được làm bằng kim loại, nên cầm trên tay có độ nặng, đầm và không cho cảm giác ọp ẹp, rẻ tiền.
Đệm đều được làm bằng vải, với những họa tiết thêu nhìn khá hay.
Phần đệm tai cũng được làm bằng vải, với lớp lót bên trong được làm dày. Chúng tôi đã thử nghiệm sử dụng cặp tai nghe này để chơi game trong thời gian dài, thì tai cho cảm giác thoải mái nhất trong 1 tiếng đầu tiên, sau đó thì hơi cấn nhẹ ở sau tai (cũng 1 phần vì sử dụng kính) nên phải bỏ ra nghỉ 1 lúc trước khi dùng tiếp.
Một điểm hay chúng tôi nhận thấy khi sử dụng Virtuoso Max đó là tai nghe có khả năng chuyển đổi nhanh giữa các nguồn phát. Khi đang dừng chơi game trên máy tính và lấy smartphone ra dùng, tai nghe sẽ tự động chuyển qua kết nối với smartphone mà không cần qua bước vào cài đặt và chọn thiết bị kết nối - khá là giống với khả năng chuyển đổi nhanh của dòng Apple AirPods.
Với phần mềm iCUE, ta có thể điều chỉnh EQ cho từng mục đích sử dụng (chơi game, nghe nhạc, xem phim), điều chỉnh thao tác của vòng xoay và các nút bấm, theo dõi lượng pin cũng như điều chỉnh hiệu ứng đèn. Đèn của Virtuoso Max được đặt thành hình vòng tròn xong quanh cups, mỗi bên chia thành 3 đèn và mỗi chiếc có thể điều chỉnh thành một màu khác nhau.
Về âm thanh phục vụ mục đích chơi game, Virtuoso Max hỗ trợ âm thanh 3D Dolby Atmos để tái tạo âm trường rộng hơn, giúp người chơi định vị được vị trí phát ra tiếng động trong game. Tính năng này đặc biệt hữu dụng với những tựa game bắn súng, vì những tiếng súng bắn, bom nổ, tiếng nhân vật đi là 1 phần không thể thiếu trong chiến thuật và cách người chơi phản xạ để dành lợi thế.
Hay với chúng tôi cũng đã thử với những tựa game đua xe, tai nghe tái tạo được tiếng động cơ xe to rõ, mỗi khi có đối thủ lướt qua ở bên hoặc xảy ra va chạm thì ta có thể nghe thấy như ngay bên cạnh vậy. Tính năng Dolby Atmos này ngoài việc điều khiển được ở phần mềm iCUE thì cũng có thể dùng với ứng dụng Dolby Access của Microsoft.
Với nghe nhạc, tai nghe có nhiều âm trầm nên sẽ phù hợp với những bạn thích nhạc Dance, Pop,... mang hơi hướng 'xập xình' một chút. Tai nghe cũng cho phép điều chỉnh chất âm (EQ) cho từng nhu cầu sử dụng nên khi sử dụng người dùng cũng sẽ cần ngồi 'cân chỉnh' lại sao cho đúng sở thích nhất, không nên để 1 kiểu âm cho tất cả mục đích dùng.
M.Đức, Tuấn Lê