Ngày 10/10, sau hơn 1 tháng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, tại khu vực trồng đào Nhật Tân, Phú Thượng ven sông Hồng, những cành đào, gốc đào chết khô vẫn chất thành đống.
Vùng trồng đào ven sông Hồng thuộc phường Phú Thượng trước và sau khi được người dân khắc phục
Theo đó, vào chiều cùng ngày, người dân trồng đào làng Nhật Tân, Phú Thượng cầm cuốc, xẻng,… ra vườn tiếp tục dọn dẹp, đào, xới đất để trồng cây, khắc phục hậu quả do bão lũ để lại.
Tại vùng trồng đào thuộc phường Phú Thượng, anh Phú với nét mặt đượm buồn cùng vợ kéo những cây đào chết khô chất thành đống châm lửa đốt. Cách đó không xa là vườn của cô Hoa, từ một vườn đào xanh mướt hơn 600 cây nay chỉ còn là bãi đất trống đang được cải tạo lại.
Cô Hoa cho biết, như mọi năm vào thời điểm này, người trồng đào bắt đầu tuốt lá, kích thích đào ra hoa để chờ đến Tết đem bán. Mỗi vụ gia đình người phụ nữ này sẽ kiếm được vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, năm nay do mất trắng nên cô Hoa cũng như những người dân trồng đào nơi đây phải chặt bỏ, đào xới những gốc cây đào chết khô, thay thế bằng những cây đào giống.
"Mọi năm, giống đào ta chỉ 7-8 nghìn đồng/cây giống đẹp, nhưng năm nay lũ lụt chết nhiều, cây giống xấu giá cũng 15-20 nghìn đồng/cây", cô Hoa chia sẻ.
Những cây đào chết khô được người đân chất thành đống châm lửa đốt
Cũng theo nhiều người dân trồng đào Phú Thượng cho hay, do cây giống đắt, cung thấp hơn cầu nên nhiều gia đình đành chấp nhận chờ đến Tết mới mua đào giống. Trước mắt, người dân nơi đây cải tạo đất trồng rau su hào, cải bắp, hoa cúc,… để Tết đem bán.
"Cây đào giống năm nay tăng lên gấp mấy lần so với năm ngoái. Mặc dù giá cao như vậy nhưng người dân vẫn tranh nhau để mua, nhiều người còn không mua được vì nguồn cung ít.
Gia đình tôi có hơn 300 gốc đào huyền đều mất trắng. Giờ chúng tôi đang trồng giống đào ta, mua với giá 25 nghìn đồng/cây. Ngoài ra, chúng tôi trồng xen canh thêm rau su hào, cải bắp để Tết đem bán", một người dân trồng đào làng Phú Thượng cho hay.
Đối với những chủ vườn đã mua và trồng đào giống, họ cũng trồng xen canh thêm các loại rau trên để sớm được thu hoạch đem bán
Tại vùng trồng đào thuộc phường Nhật Tân, 1/3 đào đã chết sau nhiều ngày chìm trong lũ. Người dân nơi đây cũng đang tất bật dọn dẹp, trồng đợt đào mới.
Cặm cụi đào từng gốc cây đào huyền chết khô, anh Bùi Văn Nghiệp cho biết, gia đình anh có hơn 300 cây đào và vài sào hoa cúc, tất cả đều mất trắng.
"Gia đình tôi trồng nhiều loại: đào huyền, đào cành, hoa cúc,… Như mọi năm, nếu nước có dâng cao, đào bị ảnh hưởng thì còn hoa cúc để đem bán nhưng năm nay chẳng còn gì.
Giá cây đào giống thì đắt gấp mấy lần so với đầu năm, nguồn cung thì ít. Chúng tôi chẳng có tiền để mua bởi chi phí đầu tư khôi phục lại rất lớn. Tôi tính đợi đến Tết mới mua đào giống, giờ trồng su hào, cải bắp để sớm được thu hoạch", anh Nghiệp chia sẻ.
Những cành đào chết khô được chất đống, người dân chờ khô để đốt
Cách đó không xa là vườn của gia đình ông Thủy. Ông cho biết, vợ chồng ông phải lên rừng mới mua được đào giống, mỗi cây đào giống đẹp mua với giá 50 nghìn đồng/cây.
"Năm nay nhà nào cũng bị ảnh hưởng nên giá cây đào giống tăng lên rất cao. Thậm chí giá cao như vậy mà mọi người còn phải tranh nhau, nhiều nhà không mua được.
Gia đình tôi phải lên rừng mới mua được vài trăm cây. Để cây đào được như trước đây, ít nhất cũng phải 2 năm nữa", ông Thủy chia sẻ.
Ông Thủy nói thêm, bên cạnh trồng đào, gia đình ông cũng trồng thêm su hào, cải bắp để sớm được thu hoạch.
VÂN ĐỨC