Mừng cưới "cạn sạch" cả tháng lương
Nếu tính từ năm 18 tuổi thì Ngọc Mai (Hà Nội) đã có 12 năm kinh nghiệm đi ăn cưới. Suốt một thanh xuân miệt mài đi chung vui với bạn, có những tháng cao điểm, trung bình mỗi ngày đều đi mừng một đám, có tháng cô phải tiêu hết sạch tiền lương cho việc đóng phong bì mừng cưới. Có lẽ chuyện sẽ chẳng đáng nói, nếu như cô không gặp phải một sự kiện khiến cho bản thân phải thay đổi quan điểm vốn có.
"Cũng nằm trong chuỗi sự kiện ăn cưới, có hai đám cưới của đồng nghiệp cùng chỗ làm cũ, mối quan hệ thì thuộc dạng tương tác nhiệt tình trên Facebook, 1-2 tháng gặp nhau một lần update tình hình cuộc sống. Chuyện không có gì để lấn cấn vì team cũ gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, cùng ôn lại kỷ niệm. Song nhập mâm rồi mới thấy thiếu một khách mời, mọi người tự nhủ chắc bận bịu này kia, nhưng vẫn cứ gọi một cú điện thoại cho chắc, cho đông đủ mặt mày. Thì đầu dây là tiếng bạn đó thì thầm rằng hồi cưới bạn, cô dâu kia không tới, cũng không gửi tiền mừng nên thôi, không đến nữa, cũng không nhờ ai gửi tiền mừng".
Một lần khác, Mai được mời dự đám cưới ở quê. Vì là bạn thân thiết từ thời tiểu học, nên cô đã không nghĩ ngợi nhiều mà mừng cưới rất hào phóng. Nào ngờ hành động đó bị cả gia đình chửi là "điên". Theo phân tích của mẹ Ngọc Mai thì: "chắc gì sau này còn mời lại được" vì bạn đã đi làm dâu xa xứ rồi.
Nhiều bạn bè của Mai cũng thường trêu đùa rằng đám cưới của cô không phải "lễ vu quy" mà phải gọi là "lễ thu hồi vốn" vì bản thân cô đã khá nhiệt tình trong các mối quan hệ. "Nhưng tiếc là, nếu trừ họ hàng thì đa số những đám cưới mà tôi đã tham dự chủ yếu là của những người đồng nghiệp, bạn bè cũ không còn giữ liên lạc. Nếu may mắn sau này có đối tác để tiến tới hôn nhân, có mời những cô dâu chú rể đã xa mặt cách lòng đó thì đúng nghĩa chỉ là thu hồi lại tiền mừng, còn không thì thôi coi như tôi lỗ" – cô nàng ngậm ngùi chia sẻ.
Nỗi lo "lỗ" hay "lãi" trong ngày vu quy
Với những nỗi lo thiệt hơn, những cuốn sổ ghi chép chẳng chịt về khoản tiền mừng cưới của từng khách mời như một cuốn sổ để trả nợ, tiền mừng cưới bỗng nhiên không còn mang ý nghĩa vốn có là quà tặng mừng cho đôi trẻ hay đóng góp một chút để giúp đỡ đôi trẻ xây dựng tổ ẩm. Khoản tiền từng mang ý nghĩa rất tốt đẹp nay lại trở thành một sự đổi chác, tính toán thiệt hơn, một nơi tạm gửi tiền để thu hồi lại khi tới lượt mình.
Cũng bởi thế nên cưới xong, thay vì hỏi cô dâu chú rể tiếp đãi khách có mệt không, sống với nhau có hạnh phúc không, người ta lại hỏi cưới xong lãi hay lỗ? Về phần cô dâu chú rể, việc quan trọng nhất trong đêm tân hôn cũng là bóc phong bì và ghi chép từng khoản tiền mừng. Và cũng vì những câu chuyện như tiền mừng không tương xứng mà rạn nứt tình cảm bạn bè…
Bày tỏ quan điểm của mình, Ngọc Mai chia sẻ: "Số tiền mừng phụ thuộc vào yếu tố tại thời điểm này, dâu rể có thân thiết với tôi hay không và căn cứ vào tình hình tài chính hiện tại của mình là được. Mà nếu thực sự đã coi việc tổ chức đám cưới như một vụ đầu tư thì phải chấp nhận 1 trong 3 kết quả: Lời - Lỗ - Hòa vốn, thế thôi".
Đừng để mất lòng vì tiền mừng cưới
Sau khi chia sẻ nỗi băn khoăn lên mạng xã hội, Ngọc Mai đã nhận được không ít bình luận. Có người thẳng thắn cho rằng: "Tiền mừng tối thiểu cũng phải bằng xuất ăn của nhà hàng"; hay "Nếu đám cưới mà qui định số tiền mừng cưới thì tui không bao giờ tham gia. 500k của 5 năm trước khác giá trị 500k của 5 năm sau, nhận vàng thì nên trả bằng vàng".
Bên cạnh đó, có quan điểm bày tỏ tiền mừng bao nhiêu không quan trọng, điều đáng quan tâm là hạnh phúc của các cặp đôi: Tôi cực kì khó chịu khi cứ nói chuyện lời lỗ sau đám cưới. Người đến chung vui là quý rồi, mừng bao nhiêu không quan trọng. Đã là tổ chức đám cưới thì phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án tài chính, không thể trông chờ vào tiền mừng của khách mời".
Về vấn đề tiền mừng cưới, PSG.TS Nguyễn Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: "Việc mừng cưới có hai ý nghĩa. Thứ nhất, mừng cưới là một phong tục tập quán của người Việt Nam, để giúp các thành viên trong gia đình, họ hàng, hàng xóm bày tỏ niềm vui, chúc cô dâu chú rể. Thứ hai, chúng ta có tục trả nợ nghiệp. Nếu gia đình tổ chức hôn lễ, người thân đến mừng cưới thì sau này chúng ta cũng nên tham dự lễ cưới và mừng lại họ. Một là để chúc phúc và thể hiện tinh thần đoàn kết, hai là trả lại số tiền, hiện vật mà họ đã tặng mình".
Với những ý nghĩa đó, mừng cưới là một tập tục truyền thống tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm làng xóm, tình nghĩa thân thuộc của người Việt và không nên vì những tính toán vụ lợi mà khiến nó bị biến tướng, trở thành "khoản nợ" mà ai nghĩ đến cũng đều thấy nặng nề.
Trang Đào