Clip: Choáng với số lượng túi nilon "thu hoạch" sau một buổi đi chợ
Người đi chợ "xin" thêm túi nilon
Túi nilon đựng thịt, túi nilon đựng rau, đựng bánh, chưa kể một số thực phẩm đã có sẵn túi nilon vẫn được bọc thêm một lớp túi khác bên ngoài khi đưa cho khách như một thói quen và thêm cả một chiếc túi lớn để đựng tất cả mọi thứ nhỏ cho chắc… Đây là những hình ảnh chẳng hề hiếm gặp ở các khu chợ truyền thống tại Việt Nam - một trong những địa điểm tiêu thụ túi nilon nhiều nhất cả nước.
Sau khi đi chợ về, mỗi bà nội trợ, ngoài việc có trong tay rất nhiều thực phẩm tươi ngon cho bữa một vài bữa ăn thịnh soạn của gia đình thì cũng có thêm đến hàng chục chiếc túi nilon với các màu sắc, kích cỡ khác nhau. Tất cả chỉ giống nhau ở một điểm, số phận những chiếc túi ấy sẽ đều nằm ngoài thùng rác hoặc lăn lóc trên đường chỉ sau một lần sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Thuý Hạnh (tiểu thương) cho biết: "Cô đi mua rau, đến hàng bầu, mua một quả bầu người ta cho cô một cái túi, sang mua 5.000 rau má họ cho cô một cái túi, mua 5.000 ớt họ cho cô một cái túi và thêm một cái nữa để bỏ tất cả vào với nhau."
Không chỉ bà Hạnh, rất nhiều tiểu thương khác cũng đồng ý rằng, mỗi khách hàng đến mua đều phải sử dụng ít nhất là hai túi nilon, một chiếc để bọc trong thực phẩm và một chiếc để xách bên ngoài. Cùng với đó, mỗi loại đồ khác nhau, dù không hề bẩn cũng được đựng vào những túi tách biệt.
Một tiểu thương bán hoa quả cho biết: "Mua một hai trái mỗi loại cũng phải dùng túi riêng từng loại hết. Nói chung phải sử dụng túi nilon nhiều."
Nguyên nhân của những điều này, cô Hạnh cho biết, phần nhiều đến từ nhu cầu sử dụng của chính khách hàng:
"Khách sử dụng túi nilon nhiều, phung phí và ô nhiễm môi trường nhiều lắm. Họ thích thì mình cũng phải chiều thôi, nhu cầu khách hàng mà. Cũng như thế, mua một lạng mọc (thịt lợn viên) của cô có 15.000 thôi nhưng bây giờ họ cũng xin cô 2 cái, rồi họ xin cô thêm để túi lớn để bọc các thứ vào cùng với nhau nữa."
Một trong những cách được khuyến nghị đưa ra để hạn chế việc sử dụng túi nilon, đơn giản nhất là việc dùng giỏ (làn) hoặc túi vải đi chợ. Tuy nhiên, việc này lại khá hiếm khi xảy ra.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (tiểu thương) cho hay: "Mọi người đa số ra ngoài chợ là đi tay không xong người ta xin túi nilon lớn xách thôi. Thỉnh thoảng người ta mang theo hộp hoặc những thứ không cần lấy túi."
"Ít người xách giỏ lắm. Trăm người may ra được vài người." - một người khác cũng cho biết.
5 - 9 triệu túi nilon thải ra mỗi ngày ở TP.HCM
Dù chưa thể có số liệu nào thống kê chính xác liệu con số vài trăm người được vài người này có phải là thật hay không nhưng những số liệu khác về rác thải nhựa tại Việt Nam nói chung và hai đô thị lớn của nước ta là Hà Nội - TP.HCM cũng khiến nhiều người phải giật mình.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Do việc quản lý và xử lý rác thải nhựa chưa triệt để, một chiếc túi nilon để phân huỷ tự nhiên phải mất đến hàng trăm năm trở lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường cũng như mỹ quan đô thị.
Theo thống kê của tổng cục môi trường, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày thải ra môi trường 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng tại TP.HCM, có khoảng 30 tấn nilon được sử dụng mỗi ngày tại các chợ, siêu thị, TTTM và 34 - 60 tấn nhựa mỗi ngày, tương đương với 5 - 9 triệu túi nilon/ngày. Trong đó, khu vực phát sinh nhiều nhất là chợ, chiếm đến 70%, kế đến là siêu thị 25% và cuối cùng là TTTM.
Đứng trước thực trạng trên, TP.HCM cũng đã đưa ra một số giải pháp.
TPO thông tin, theo Sở TN&MT TP.HCM, trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, TP đã đề ra chỉ tiêu 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại... sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy.
Bên cạnh đó, các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi nilon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Phấn đấu đến năm 2030 TP hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngoài ra, TP cũng dự kiến hoàn thành chỉ tiêu thu gom tái sử dụng, tái chế, xử lý 65% lượng chất thải nhựa phát sinh ở TP.HCM.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra, thời gian qua các sở, ngành, đoàn thể... đã tích cực tham gia thực hiện. Cụ thể, Sở Công Thương TP.HCM đưa ra mục tiêu hết năm 2023, giảm sử dụng 65% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học của các tiểu thương tại chợ truyền thống.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn yêu cầu hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại... thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi như giảm giá, tích điểm và các hình thức khác phù hợp với đơn vị. Qua đó, khuyến khích khách hàng mang túi, bao gói và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường khi tham gia mua sắm. Siêu thị cũng hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nilon khó phân hủy cho người tiêu dùng.
Từ đó, hướng đến việc tính phí túi đựng hàng hóa khi người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, các đơn vị nêu trên phải nghiên cứu bố trí các điểm thu hồi túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần đã qua sử dụng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, quy định của các Sở ban ngành cũng cần sự thay đổi tích cực từ phía người dân trong chính mỗi sinh hoạt hàng ngày. Chỉ đơn giản giảm bớt một vài chiếc túi khi đi chợ, mang theo giỏ làn hay tái sử dụng những chiếc túi không quá bẩn... dù một việc làm nhỏ thôi cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường.
Phạm Trang - Ảnh, Clip: Di Anh