Xót thương hoàn cảnh của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn

Thứ năm, 15/08/2024 - 06:28

Từ một người khỏe mạnh và cũng là trụ cột trong gia đình, bà Mai Thị Hằng (SN 1973) phải dựa dẫm hoàn toàn vào người thân sau vụ tai nạn 3 năm trước.

Tìm về thôn Tràng Cát (xã Kim An, Thanh Oai, Hà Nội) vào một ngày đầu tháng 8, khi hỏi đến gia đình ông Lê Văn Cường (SN 1972) có vợ bị tai nạn giao thông vào 3 năm trước thì ai ai cũng biết.

Xót thương hoàn cảnh của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn- Ảnh 1.

Hình ảnh bà Mai Thị Hằng nằm viện điều trị vào 3 năm trước sau vụ tai nạn giao thông (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Căn nhà cấp 4 của ông Cường nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Tràng Cát. Bước vào bên trong, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ với gương mặt thất thần ngồi ngoài hiên.

Thấy chúng tôi, ông Cường từ trong nhà vọng ra: "Cô chú chờ một chút, tôi ra ngay đây". Ít phút sau, ông Cường bước ra trên tay cầm vài viên thuốc và cốc nước đưa cho người phụ nữ uống. Sau đó, người đàn ông này mời chúng tôi vào nhà.

Khó khăn chồng chất

Ngồi trò chuyện, chúng tôi mới biết được người phụ nữ ngồi ngoài hiên ban nãy là bà Mai Thị Hằng. Ông Cường nói: "Di chứng của vụ tai nạn 3 năm trước vẫn luôn hành hạ vợ tôi. Nếu không được uống thuốc đều đặn mỗi ngày, cơn đau đầu sẽ lại tái phát.

Xót thương hoàn cảnh của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn- Ảnh 2.

Bà Hằng với gương mặt thất thần ngồi trước hiên nhà

Mỗi khi cơn đau tái phát, vợ tôi lại ôm đầu, liên tục gào khóc. Nhiều lúc "trái gió trở trời", vợ tôi đau quá lên cơn co giật, ngất xỉu giữa nhà, gia đình chúng tôi phải đưa bà ấy đi cấp cứu.

Nhìn thấy vợ bị cơn đau hành hạ, tôi đau lắm nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào".

Kể về hoàn cảnh của gia đình mình, ông Cường cho biết, năm 2012, ông phát hiện trên cổ mình có khối u nên đã đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chỉ định phải làm phẫu thuật. Tính đến năm 2020, ông Cường đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật.

"Chi phí cho mỗi lần phẫu thuật là rất lớn đối với gia đình tôi. Sức khỏe yếu, tôi chẳng thể làm được những công việc nặng nhọc nên chỉ xin một công việc phù hợp với mức lương thấp gần nhà.

Còn cậu con trai thì sức yếu, mắt kém nên không có công việc ổn định. Mọi thứ trong gia đình đều do vợ tôi lo hết", ông Cường nói.

Xót thương hoàn cảnh của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn- Ảnh 3.
Xót thương hoàn cảnh của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn- Ảnh 4.

Mỗi khi cơn đau đầu tái phát, bà Hằng liên tục gào khóc. Lúc này, ông Cường chỉ biết ngồi bên cạnh an ủi, lấy khăn lau những giọt mồ hôi trên trán vợ mình

Không quản ngại khó khăn vất vả, bà Hằng làm nhiều công việc để trang trải cuộc sống cho gia đình. Mỗi khi tan làm, bà Hằng lại nhanh chóng trở về nhà rồi tranh thủ đi làm đồng hoặc ai thuê gì bà đều làm đấy.

Cuộc sống gia đình ông Cường tuy khó khăn nhưng lúc nào cũng rộn tiếng cười, hạnh phúc. Thế nhưng biến cố bất ngờ ập đến, hoàn cảnh gia đình ông Cường vốn đã khó khăn lại càng trở nên eo hẹp.

Xót thương hoàn cảnh của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn- Ảnh 5.

Cứ khoảng 3-4 ngày, ông Cường lại phải chi hàng chục triệu đồng cho các hóa đơn tiền thuốc

Ông Cường nhớ như in ngày bà Hằng gặp tai nạn, đó là một ngày đầu tháng 3 năm 2021. "Tan làm, vợ tôi đang trên đường trở về nhà thì bị người ta tông phải. Lúc đó tôi vừa nấu cơm xong, ngồi chờ vợ về thì bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Nghe máy thì biết tin vợ gặp tai nạn, lúc đó tôi lo lắng lắm, không biết vợ mình có sao không", ông Cường kể lại.

Nhận được tin dữ, ông Cường cùng người thân nhanh chóng đến hiện trường. Tại đây, ông Cường được thông báo bà Hằng đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu gấp.

"Vụ tai nạn khiến vợ tôi bị đa chấn thương, đặc biệt là chấn thương sọ não. Do tình trạng sức khỏe nguy kịch nên vợ tôi được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Quân Y 103", ông Cường cho hay.

Xót thương hoàn cảnh của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn- Ảnh 6.

Ông Cường đau đớn khi kể lại thời điểm bà Hằng gặp tai nạn

Trên suốt chuyến hành trình cùng vợ đến Bệnh viện Quân Y 103, nhìn bà Hằng người quấn toàn băng trắng, hôn mê khiến ông Cường không kìm được nước mắt.

Tại bệnh viện, bác sĩ gặp riêng ông Cường và nói rằng, vợ ông vẫn còn khả năng cứu được nhưng chi phí điều trị, phẫu thuật rất tốn kém. Với lại nếu có cứu được, bà Hằng cũng không thể nào trở lại một người bình thường như trước được.

"Trong thâm tâm tôi lúc bấy giờ chỉ nghĩ "còn nước, còn tát", bằng mọi giá phải cứu được vợ mình. Nhưng số tiền ban đầu là quá lớn, chi phí chạy chữa mất vài trăm triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn nên khi vợ tôi gặp nạn, gia đình chạy vạy khắp nơi mới đủ số tiền lớn như vậy", ông Cường chia sẻ.

Sau hơn 3 tháng điều trị tại bệnh viện, những vết thương khác trên cơ thể của bà Hằng dần hồi phục và được các bác sĩ cho về chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên, di chứng của chấn thương sọ não khiến thần kinh của người phụ nữ này không ổn định. Bên cạnh đó, bà Hằng thường xuyên bị đau đầu với những cơn đau tưởng như "chết đi sống lại".

Lời tâm sự đau thắt lòng của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn

Là trụ cột trong gia đình nhưng từ khi gặp tai nạn, bà Hằng không còn khả năng lao động, mọi thứ hoàn toàn phải dựa dẫm vào người thân.

Xót thương hoàn cảnh của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn- Ảnh 7.

Sau vụ tai nạn giao thông vào 3 năm trước khiến thần kinh của bà Hằng không ổn định

"Năm ngoái vợ tôi cứ nằng nặc đòi ra đồng làm nhưng tôi không cho. Bởi, sức khỏe của vợ tôi yếu, thi thoảng lại lên cơn đau đầu bất chợt nên tôi lo lắm, chẳng dám cho bà ấy làm gì.

Hiện, con trai tôi cũng đã xin được việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Còn tôi thì mùa nào thức nấy, vẫn luôn cặm cụi với việc đồng áng nhưng chẳng được bao nhiêu.

Những hôm "trái gió trở trời", tôi ra ruộng một chút phải về sớm. Sợ bệnh của vợ tái phát, không cứu kịp thời", ông Cường nói.

Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng với khoản thu nhập hàng tháng của gia đình ông Cường cũng chẳng được bao nhiêu. Ngoài chi phí sinh hoạt hàng ngày, gia đình ông còn phải lo chi phí thuốc men 3 triệu đồng/tháng cho bà Hằng. Thậm chí, ông Cường còn phải dành dụm tiền để đề phòng bà Hằng nhập viện đột xuất.

"Cứ cách vài năm, khối u ở cổ tôi lại mọc to lên. Các bác sĩ cũng nhiều lần khuyên tôi nên sớm đi điều trị. Nhưng hoàn cảnh gia đình khốn khó, tiền thuốc men cho vợ còn phải xoay xở. Bên cạnh đó, số tiền vài trăm triệu đồng vay mượn của mọi người còn chưa trả hết, lấy tiền đâu để đi viện", ông Cường tâm sự.

Xót thương hoàn cảnh của người phụ nữ "trụ cột" trở thành phế nhân sau vụ tai nạn- Ảnh 8.

Bà Hằng buồn bã tâm sự

Ngồi trong góc nhà, bà Hằng với gương mặt thất thần nói: "Khổ lắm chú ạ, từ lúc bị tai nạn, đầu óc tôi lúc tỉnh lúc không biết gì. Nhiều khi cơn đau tái phát, đầu tôi đau lắm.

Có lần, tôi đi ra ngoài cửa thì tự dưng đầu đau nhói, choáng váng sau chả biết gì cả. Mọi người bảo lúc đó người tôi co giật, ngất xỉu nên phải đưa đi bệnh viện cấp cứu gấp.

Nhiều khi muốn ra đồng làm phụ giúp chồng nhưng chẳng ai cho. Mọi người lo sợ căn bệnh của tôi tái phát đột ngột. Đợt vừa rồi, con trai cũng động viên tôi bảo "mẹ cứ ở nhà điều trị, tiền thuốc, viện phí và tiền nợ mọi người mẹ không phải lo. Con và bố sẽ lo hết". Nghe xong, tôi đau lòng lắm, chỉ biết nhìn con mà khóc".

Mọi sự ủng hộ và giúp đỡ xin gửi về: Ông Lê Văn Cường

Địa chỉ: Thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội

SĐT: 0359.408.662



VÂN ĐỨC