Kiệt sức vì chi phí sinh hoạt tăng cao và quảng cáo liên tục, một số thanh thiếu niên trên TikTok đang phản đối.
Kara Perez, một người có sức ảnh hưởng và là chuyên gia giáo dục tài chính, chia sẻ với AFP rằng: "Khi bạn cảm thấy như mình lúc nào cũng đang bị mời chào mua thứ gì đó và giá của món đồ đó cứ tăng lên, mọi người sẽ không còn muốn tiêu tiền nữa".
Phương tiện truyền thông xã hội từ lâu vẫn luôn ngập tràn hình ảnh những ngôi nhà đẹp như tranh vẽ, tủ quần áo xa hoa và vô số sản phẩm làm đẹp. Nhưng một xu hướng mới tên "underconsumption" (tiêu dùng dưới mức) đang lan rộng theo hướng ngược lại - thúc đẩy lối sống tái sử dụng, tiết kiệm hơn và ưu tiên chất lượng hơn số lượng.
Được gọi là "tiêu dùng dưới mức", xu hướng này tập trung vào lối sống bền vững và sử dụng những gì bạn có, đi ngược lại với sự dư thừa và giàu có đang thống trị Instagram và TikTok.
Perez, một người tái sử dụng lọ thủy tinh thành cốc, cho biết: "Khi bạn xem 300 video trên TikTok về những người có 30 chiếc cốc Stanley, bạn sẽ muốn có càng nhiều càng tốt. Mọi người đều muốn hòa nhập".
Ở một số khía cạnh, xu hướng này đi ngược lại với những gì người dùng vẫn luôn thấy mỗi khi họ mở ứng dụng TikTok bao lâu nay.
"Trend tiêu thụ dưới mức là sự đối lập với sự cường điệu của chủ nghĩa tiêu dùng mà chúng ta đã quen thuộc. Người tiêu dùng đang tôn vinh chủ nghĩa tối giản", nhà dự báo xu hướng Shanu Walpita nói với tờ Guardian.
Sự mệt mỏi của người tiêu dùng
Một video có hơn 100.000 lượt xem từ người dùng TikTok @loveofearthco đã chỉ trích xu hướng tiêu dùng quá mức thường được khuếch đại và khuyến khích trên mạng xã hội: "Tôi đã tiêu số tiền mà tôi không có vào những thứ tôi không cần".
Một tài khoản khác, @nevadahuvenaars, chia sẻ về hình ảnh tiêu dùng "bình thường": đồ nội thất đã qua sử dụng, tủ quần áo khiêm tốn, đồ trang trí tái chế từ chai thủy tinh, tự chuẩn bị các bữa ăn và bộ sản phẩm chăm sóc da cỡ nhỏ.
Bất chấp những khó khăn về tài chính mà đặc biệt là Gen Z và Gen Y phải gánh chịu, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang phát triển mạnh mẽ, với lợi nhuận doanh nghiệp kỷ lục và giá cả cao trên thị trường.
Theo một cách nào đó, "điều đó gần như là 'gaslighting' (thao túng tâm lý) đối với người tiêu dùng" trong giai đoạn bất ổn về kinh tế và địa chính trị, nhà phân tích văn hóa và tiếp thị người tiêu dùng Tariro Makoni nói với AFP.
Bà lập luận rằng các chương trình Mua ngay, Trả sau thường được nhiều người trẻ sử dụng làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu dùng và làm méo mó khả năng tiếp cận của cải.
Nhưng nhiều năm lạm phát đã buộc nhiều người phải đi đến kết luận rằng họ không thể theo kịp thói quen chi tiêu của những người trên mạng xã hội.
Phân tích của Google Trends cho thấy các tìm kiếm về "tiêu dùng không đủ" tại Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất vào mùa hè này, xuất hiện cùng với các truy vấn về "sản xuất quá mức" và "Đại suy thoái".
Andrea Cheong, một KOL đến từ Anh gần đây đã chia sẻ một video theo phong cách "tiêu dùng dưới mức". Cô vá quần áo cũ, tiêu dùng vừa đủ và thỏa mãn với cuộc sống của mình. Cheong cho biết nhiều thanh niên đã phát triển "hành vi bắt buộc phải chi tiêu đến đồng bảng Anh cuối cùng cho một món đồ thời trang".
Cheong lưu ý rằng đây là một chứng nghiện gắn liền với áp lực "phải thể hiện mình là ai thông qua tài sản".
Ngược lại, "tiêu thụ dưới mức" phá vỡ các xu hướng cốt lõi truyền thống được thúc đẩy bởi những người có sức ảnh hưởng. Sự thay đổi này cũng phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về tính xác thực từ những người sáng tạo nội dung.
Hơn một nửa số người lớn thuộc thế hệ Z - hiện thuộc độ tuổi từ 18 đến 27 - tham gia khảo sát năm 2024 của Ngân hàng Hoa Kỳ cho biết chi phí sinh hoạt cao là rào cản lớn nhất đối với thành công tài chính của họ. Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều người không kiếm đủ tiền để sống cuộc sống họ mong muốn.
Mối quan tâm về tính bền vững
Ashley Ross, giám đốc bộ phận trải nghiệm khách hàng và quản trị tại Bank of America, cho biết: "Xu hướng 'tiêu dùng dưới mức' trên mạng xã hội là một cách khác để Gen Z tận dụng tối đa số tiền của mình và đồng thời sống thân thiện với môi trường".
Trong khi thế hệ trẻ lo lắng về việc đưa ra những lựa chọn bền vững thì việc thiếu tự chủ về tài chính lại chi phối quyết định của họ.
"Thành thật mà nói, không ai muốn đánh đổi GDP của mình để đạt được sự bền vững. Chúng ta không sống trong thế giới đó... Động lực khiến mọi người làm những điều này luôn là để tiết kiệm tiền", Cheong nói.
Nhưng cô cũng nói với AFP rằng xu hướng "tiêu thụ dưới mức" thực sự vẫn là cách tiếp cận lối sống bền vững dễ dàng nhất cho nhiều người. Thông điệp ở đây rất đơn giản: "Mua ít hơn, mua tốt hơn".
Các sáng kiến tiêu thụ ít vật chất có thể tiếp cận đến nhiều đối tượng và thế hệ, không chỉ gói gọn trong giới trẻ.
Anjali Zielinski, 42 tuổi, đã tham gia workshop dạy cách làm đồ handmade tại Georgetown, Washington với hy vọng học được những kỹ năng mới để tiết kiệm hơn, sống bền vững hơn. Cô đã đưa con gái Mina, 7 tuổi, đi cùng.
Ngoài việc giúp phát triển tính sáng tạo và nhận thức của con gái, cô hy vọng các kỹ năng làm đồ thủ công, handmade này sẽ dạy cho cô bé "giá trị của tài sản và công sức bỏ ra để tạo nên chúng".
Nguồn: AFP