Người lao động tại doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nhiều chính sách đào tạo nghề

Việc làm | 08:25:00 15/12/2022

TNV – Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã ban hành chính sách hỗ trợ hiệu quả việc đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quan tâm đào tạo nghề cho doanh nghiệp

Nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ LĐTBXH đã ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; sắp xếp, bố trí nguồn lực, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả, theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH, ngày 26/12/2019 của Bộ LĐTBXH.

Bộ LĐTBXH đã ban hành chính sách hỗ trợ hiệu quả việc đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Quyền lựa chọn của doanh nghiệp

Theo Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cử người lao động tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng, thì được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo.

Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi dành cho người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp được lựa chọn ngành nghề và cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp hoạt động, có ngành nghề đào tạo được xác định trong danh mục đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và trong danh mục ngành nghề được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Đơn giản hóa quy trình

Bộ LĐTBXH đã tối giản hóa quy trình đăng ký đào tạo nghề đối với lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, chủ doanh nghiệp chỉ cần ban hành văn bản cử một hoặc nhiều người lao động của doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo nghề, trong đó ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, thời gian làm việc tại doanh nghiệp, số sổ bảo hiểm xã hội, ngành, nghề cần đào tạo, hình thức đào tạo, dự kiến thời gian tham gia khóa đào tạo đối với từng người lao động, gửi đến cơ sở đào tạo nghề nghiệp và Sở LĐTBXH nơi doanh nghiệp hoạt động.

Khi cơ sở đào tạo nghề nghiệp tiếp nhận văn bản của doanh nghiệp, sẽ thực hiện công tác tuyển sinh, nhập học đối với lao động của doanh nghiệp như đối với các học viên khác, để vào học trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng, theo quy định của Bộ LĐTBXH.

Người lao động của doanh nghiệp theo danh sách đăng ký, sẽ được cơ sở đào tạo tổ chức học đúng với ngành nghề, nội dung đào tạo do doanh nghiệp lựa chọn, theo lớp riêng hoặc học hòa nhập cùng với các học viên khác, do người đứng đầu cơ sở đào tạo nghề nghiệp quyết định và thông báo cho doanh nghiệp, người học trước khi khai giảng khóa học ít nhất 10 ngày làm việc.

Bộ LĐTBXH luôn xúc tiến để chủ trương hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp

Sựphối hợp đồng bộ

Để chủ trương được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và được triển khai hiệu quả, Bộ LĐTBXH đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với bộ, ngành trung ương, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trong báo cáo tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp hàng năm.

Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện theo quy định; tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách; đồng thời, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Bộ Tài chính.

Đối với Sở LĐTBXH, là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp đối với việc triển khai, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các cơ sở đào tạo nghề nghiệp phải lập kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo hướng dẫn của Sở LĐTBXH; đồng thời, hướng dẫn người lao động làm việc trong doanh nghiệp về hồ sơ tuyển sinh, quản lý đào tạo, tổ chức đào tạo nghề do doanh nghiệp đăng ký; báo cáo kết quả cho Sở LĐTBXH và thông báo cho chủ doanh nghiệp tình hình, kết quả học tập của người lao động khi kết thúc khóa đào tạo nghề.

Đối với chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thông tin, phổ biến chính sách, đề xuất kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, theo hướng dẫn của Sở LĐTBXH và theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp; chi trả tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chi phí còn lại liên quan cho người học trong thời gian đi học và tham gia giám sát việc tổ chức đào tạo nghề cho người lao động của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, báo cáo Sở LĐTBXH kết quả thực hiện.

Riêng người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp được cử đi đào tạo, cần kê khai đúng, đầy đủ về bản thân và chịu trách nhiệm về những nội dung đã kê khai trong hồ sơ nhập học; đồng thời, tham gia đầy đủ theo chương trình đào tạo và chấp hành các quy định của lớp học, của cơ sở đào tạo nghề nghiệp; báo cáo kết quả tham gia khóa đào tạo nghề và chấp hành sự phân công của chủ doanh nghiệp sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề.

Như vậy, với sự quan tâm sâu sát, đúng mực; bằng chủ trương giảm thiểu về thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện mở và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; sự phối hợp đồng bộ từ các ngành, các cấp, từ doanh nghiệp và người học, ắt hẳn, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ LĐTBXH sẽ ngày càng đến được với đông đảo người lao động, góp phần gia tăng chất lượng nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp sớm nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19.

Lê Thanh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam