Đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, từng bước cải thiện kinh tế gia đình
Nắm bắt nhu cầu về vốn cho thanh niên phát triển kinh tế, từ nhiều năm nay Ban Chấp hành Huyện đoàn Mường Chà (tỉnh Điện Biên) đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thực hiện cho vay ưu đãi đối với các đoàn viên thanh niên có mô hình sản xuất nhỏ, kinh doanh dịch vụ, trồng dứa, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế.
Mùa A Ninh (áo xanh) – Bí thư Đoàn xã Ma Thì Hồ đang chăm sóc đàn trâu bò 19 con
của gia đình, thu nhập mỗi năm 50 – 60 triệu đồng.
Sau khi khảo sát thực tế về điều kiện phát triển của các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, nhận thấy tiềm năng, tính khả thi cao của các mô hình; hàng năm, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã tổ chức giải ngân theo nhu cầu vốn của đoàn viên thanh niên theo cơ chế cho vay ưu đãi không thế chấp, lãi xuất thấp, thời hạn vay 3 năm tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Theo chị Mùa Thị Mai (Ủy viên BTV Huyện đoàn Mường Chà), đến thời điểm hiện tại tín dụng vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện do Huyện đoàn Mường Chà quản lý là trên 80 tỷ đồng , gồm 51 tổ TK&VV và 1.897 hộ vay vốn . Đây là nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và vay sinh viên. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, các bạn đoàn viên thanh niên vay vốn đều sử dụng có hiệu quả, nộp lãi, gốc đầy đủ, đúng kỳ hạn, không để xảy ra thất thoát vốn. Đồng thời, Huyện đoàn cũng thường xuyên duy trì kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của các hộ gia đình đoàn viên thanh niên để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả.
“Đến nay, nhờ được tiếp sức bởi nguồn vốn vay ưu đãi, nhìn chung các đoàn viên thanh niên đều từng bước cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Nhiều đoàn viên thanh niên sau khi được vay vốn đã năng động, nhạy bén, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm . Tiêu biểu như bạn Tòng Văn An (xã Mường Tùng), Giàng A Thắng (xã Sa Lông), Mùa A Dùng (xã Huổi Lèng), Thào A Sáu (xã Na Sang), Lò Văn Sơn (xã Mường Tùng), Mùa A Ninh (xã Ma Thì Hồ)...” – chị Mai phấn khởi nói.
Mô hình trồng dứa hơn 2 ha của gia đình thanh niên Lý A Thắng ở bản Co Đứa, xã Na Sang
mỗi năm cho thu hơn 100 triệu đồng.
Đặc biệt, phải kể tới mô hình chăn nuôi vườn ao chuồng của Tòng Văn Khuyên (xã Pa Ham) và mô hình nuôi dúi thương phẩm của Tòng Văn An (xã Mường Tùng), với lợi nhuận mỗi năm 200 triệu đồng. Đây đều là những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, có nhiều giải pháp sáng tạo, áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sẽ được Huyện đoàn lựa chọn thí điểm nhân rộng trong thời gian tới – nữ cán bộ Huyện đoàn người dân tộc Mông khẳng định.
Hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả
Được biết, trong năm 2021, bên cạnh việc duy trì triển khai hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp sức thanh niên phát triển kinh tế, Huyện đoàn Mường Chà đã tiến hành lựa chọn nội dung, lĩnh vực trong công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phù hợp với đặc thù, lợi thế của Đoàn Thanh niên. Qua đó, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả tại địa phương, gắn với mở rộng các hình thức tuyên dương, tôn vinh thanh niên có thành tích xuất sắc trong hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế.
Bạn trẻ Tòng Văn An (xã Mường Tùng) và mô hình nuôi dúi thương phẩm tiêu biểu cho thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng
Mặt khác, Huyện đoàn cũng đẩy mạnh chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”; tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức của cán bộ đoàn các cấp về khởi nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tạo cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên làm kinh tế, tự tin khởi nghiệp; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên vào thực tiễn.
Chú trọng đổi mới phương pháp tiếp cận, tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên về khởi nghiệp, lập nghiệp, cách thức xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ thanh niên nông thôn triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ; đăng ký hỗ trợ các hộ thanh niên nghèo thoát nghèo bền vững và xây dựng chương trình hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp.
Nhìn lại kết quả khởi sắc trong phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên huyện Mường Chà trong những năm vừa qua cho thấy, tổ chức Đoàn trong huyện đãtriển khai hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp sức thanh niên phát triển kinh tế ; đồng thời, phát huy được vai trò cầu nối, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên giải quyết việc làm và tăng thu nhập, qua đó, thu hút tập hợp được đông đảo thanh niên vào tổ chức Đoàn-Hội, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương./.
Phạm Quỳnh
Ảnh HĐ