Theo Đông y, quả óc chó có tính ấm, vị ngọt, đi vào kinh phế, thận, ruột già, có tác dụng bổ thận, làm ấm phổi, dưỡng ẩm cho ruột nên thích hợp để thêm vào chế độ ăn của nhiều người, nhất là vào mùa lạnh. Bạn có thể sử dụng hạt óc chó để ăn trực tiếp, làm nguyên liệu làm bánh, thêm vào salad hoặc sữa chua,... đều rất bùi ngậy và thơm ngon.
Giá trị dinh dưỡng "siêu cao"
Quả óc chó có bảng thành phần dinh dưỡng ấn tượng. Theo USDA Hoa Kỳ, chỉ với 28 gam (khoảng 6 - 7 quả) óc chó thì đã cung cấp cho bạn: 183 calo; 18 gam chất béo; 0,6 mg natri; 3,8 gam carbohydrate; 1,9 gam chất xơ; 0,7 gam đường; 4,3 gam chất đạm; 44,9 mg magie; 0,2 mg vitamin B6; 27,8 mcg axit folic; 50% nhu cầu mangan khuyến nghị hàng ngày (DV); 2% DV canxi; 4% DV sắt.
Có thể thấy, óc chó chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Là nguồn cung cấp dồi dào các vi chất dinh dưỡng, vitamin B6, magie, melatonin, đồng và mangan. Hạt óc chó cũng chứa các protein thực vật cùng chất xơ, axit béo omega-3 và các hợp chất thực vật mạnh mẽ khác. Và đặc biệt, mặc dù tất cả các loại hạt đều giàu dinh dưỡng, nhưng hạt óc chó là loại hạt chứa nhiều axit béo omega-3 nhất.
Bảo vệ trái tim
Hạt óc chó giàu chất béo không bão hòa đa, tốt cho bạn hơn chất béo bão hòa. Chúng cũng giàu axit béo omega-3 lành mạnh, gọi là axit alpha-linolenic. Chế độ ăn thêm hạt óc chó (chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải) được xem là chế độ ăn lành mạnh và thân thiện với sức khỏe trái tim, giảm nguy cơ mắc bệnh tim xuống 10% khi tiêu thụ như một phần trong chế độ ăn hàng ngày cũng như giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông có thể gây ra cơn đau tim.
Có lợi cho sức khỏe đường ruột
Hạt óc chó có thể góp phần vào việc cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách tác động tích cực đến hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm cả các vi khuẩn có lợi trong ruột (lợi khuẩn). Sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn đường ruột có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và ung thư ruột kết.
100 gam quả óc chó chứa gần 60 gam chất béo, thành phần chính là glyceride của axit linoleic, axit oleic và axit linolenic. Những chất này không chỉ tốt cho mạch máu của cơ thể con người mà còn có thể có tác dụng nhuận tràng. Nó có tác dụng tốt trong việc điều trị chứng khô ruột và táo bón.
Tốt cho não bộ
Các hợp chất thực vật trong hạt óc chó chẳng hạn như lecithin và omega-3, đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm não và cải thiện khả năng tư duy và sự ghi nhớ. Một vài nghiên cứu khác đã xem xét cách hạt óc chó có thể bảo vệ não khỏi stress oxy hóa (lượng gốc tự do có hại và chất chống oxy hóa có lợi trong cơ thể không đồng đều), có thể dẫn đến bệnh Alzheimer và các rối loạn não khác.
Khi cảm thấy mệt mỏi khi làm việc hoặc học tập, bạn có thể nhai một ít hạt óc chó để giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng. Các axit béo không bão hòa có trong quả óc chó có thể thúc đẩy sức sống của tế bào não và tăng cường trí nhớ và khả năng tư duy của cơ thể.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Quả óc chó và dầu óc chó có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, có thể giúp giảm lượng đường trong máu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu cho thấy các chất chống oxy hóa này cũng có tác dụng chống viêm.
Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể chúng ta đối với căng thẳng và nhiễm trùng, nhưng sự tăng lên của dấu hiệu viêm trong máu có thể gây ra tình trạng kháng insulin, ngăn cản khả năng sử dụng đường của cơ thể. Điều này làm tăng lượng đường trong máu, khiến bạn có nguy cơ béo phì và tiểu đường cao hơn.
Phòng ngừa béo phì
Thêm hạt vào chế độ ăn luôn được khuyến khích là một phần của thói quen ăn uống lành mạnh, giúp ổn định đường huyết và cân nặng, ngăn ngừa béo phì. Và tác dụng của hạt óc chó cũng như vậy. Điều này là nhờ hàm lượng chất xơ cao cùng protein thực vật lại không chứa chất béo bão hòa nên ăn hạt óc chó có thể giúp giảm nguy cơ tăng cân và béo phì hiệu quả.
Có lợi cho tinh trùng
Tác dụng của hạt óc chó đối với chất lượng tinh trùng đã được đánh giá trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Biology of Reproduction năm 2012. Trong số 117 người tham gia nghiên cứu này, những người được thêm óc chó vào chế độ ăn đã thấy sự cải thiện về tỷ lệ tinh trùng hoạt động, hình thái tinh trùng và khả năng chuyển động của tinh trùng hơn so với nhóm đối chứng.
Lưu ý khi ăn hạt óc chó
Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng nếu có tiền sử dị ứng với các loại hạt hay quả hạch thì bạn không nên thêm hạt óc chó vào chế độ ăn của mình. Dị ứng hạt có thể dẫn tới các phản ứng dị ứng như ngứa miệng, phù nề niêm mạc họng gây khó thở và thậm chí là sốc phản vệ - nguy hiểm tới tính mạng.
Ngoài ra, nếu đang trong quá trình ăn uống cần kiểm soát chặt chẽ calo, hãy cân đối lượng quả óc chó mà bạn tiêu thụ bởi trong hạt óc chó có chứa tới 65% là chất béo và lượng calo tương đối cao.
Ăn hạt óc chó cũng làm tăng rủi ro bị nghẹn, hóc nên cần thận trọng khi cho trẻ dưới 4 tuổi ăn hoặc người gặp vấn đề về nhai nuốt như người lớn tuổi, người sau đột quỵ,...
Quả óc chó có tính ấm, người bệnh đờm, hen suyễn, ho, âm hư, hỏa nhiều, phân lỏng, tiêu chảy nên ăn ít.
Cuối cùng, không được ăn quả óc chó đã bị mốc, đắng. Aflatoxin được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào loại chất gây ung thư loại 1, độc hơn asen 68 lần, chỉ đứng sau độc tố botulinum và là loại nấm mốc độc nhất được biết đến hiện nay. Nếu quả óc chó để quá lâu và bị mốc sẽ sinh ra aflatoxin nên hãy hết sức cảnh giác.
Mặc dù ăn quả óc chó có rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe nhưng bạn không nên ăn quá nhiều, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa và gây nóng trong. Nói chung, chỉ nên ăn từ 4 - 6 hạt óc chó mỗi ngày đối với người trưởng thành là vừa đủ.
Nguồn: Health, WebMD
Kim Phụng